TRUNG TÂM THÔNG TIN, DỮ LIỆU BIỂN VÀ HẢI ĐẢO QUỐC GIA
Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lâp trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia, tiền thân là Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo, được thành lập ngày 08 tháng 12 năm 2008 theo Quyết định số 2565/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là đơn vị dự toán cấp III, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở tại thành phố Hà Nội..
Tên đơn vị: Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia.
Tên tiếng Anh: Vietnam Ocean Data and Information Center (VODIC).
Trụ sở: Số 83 Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
Giám đốc: Võ Xuân Hùng
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia được quy định trong Quyết định số 784/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 09 tháng 3 năm 2018.
Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia thực hiện việc tổ chức xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tiếp nhận, lưu trữ, cung cấp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu các kết quả điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, các kết quả quan trắc, điều tra, khảo sát về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện phân loại, thống kê tài nguyên trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Hợp tác quốc tế
Trong hoạt động của mình, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia luôn chú trọng công tác hợp tác quốc tế. Các tổ chức mà Trung tâm đã và đang có các hoạt động hợp tác trong quản lý, phát triển, trao đổi dữ liệu biển gồm:
- Trung tâm dữ liệu biển Nhật Bản JODC (Japan Oceanographic Data Center).
- Trường đại học tổng hợp Auckland, New Zealand (The University of Auckland)
- Viện hải dương Scrips, Mỹ (Scripps Institute of Oceanography – SIO).
- Trung tâm dữ liệu biển Pháp, ISMER-IFREMER (French Oceanoghraphic Data Center).
Các dự án, đề tài nghiên cứu có sự tham gia của các đối tác quốc tế do Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia chủ trì:
- Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư với New Zealand “Nghiên cứu xây dựng chuẩn dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu biển quốc gia”.
- Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư với Mỹ “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, chuẩn dữ liệu và tài liệu các vùng biển Việt Nam”.
Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia liên tục mở rộng hợp tác, trao đổi dữ liệu biển với các nước xung quanh biển Đông; tham gia các tổ chức quốc tế liên quan đến biển và dữ liệu biển.



Cơ cấu tổ chức
Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia hiện có 30 viên chức, người lao động, với trình độ từ đại học trở lên.

Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia có 1 Văn phòng và 3 phòng chuyên môn, với cơ cấu tổ chức cụ thể là:

Kinh nghiệm – Năng lực
Được thành lập ngày 08 tháng 12 năm 2008, với nhiệm vụ tiếp quản và chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam”, một dự án thuộc “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020”, là tiền đề cho sự hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Với nhiều khó khăn, thử thách về kinh nghiệm, nhân lực, cơ sở hạ tầng… Với nỗ lực không ngừng, trải qua quá trình phát triển cùng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia đã trở thành cơ quan hàng đầu của quốc gia về thông tin dữ liệu biển và hải đảo nói chung và thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nói riêng.
Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia đã triển khai, hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia:
- Dự án Xây dựng, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam.
- Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài nguyên và môi trường”, thành phần biển và hải đảo.
- Dự án Nghiên cứu thiết lập trung tâm cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.
- Dự án Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
- Dự án Xây dựng hệ thống kỹ thuật hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
- Tiểu dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc lĩnh vực biển và hải đảo” thuộc Đề án “Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường”.
- Dự án Xây dựng bản đồ số hiện trạng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Hiện tại Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia đang làm chủ nhiều các trang thiết bị máy chủ và phần mềm bản quyền phục vụ xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, tính toán hiệu năng cao, vận hành cổng thông tin điện tử chuyên ngành, hệ thống ảo hóa, hệ thống backup dữ liệu thời gian thực, các hệ thống core switch, các đường truyền thuê kênh riêng tốc độ cao thiết lập cân bằng tải với các dải IP tĩnh riêng biệt, hệ thống bảo mật và cảnh báo chống xâm nhập đảm bảo an ninh an toàn cho hệ thống cơ sở dữ liệu và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Dịch vụ
Các dịch vụ mà Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia đang thực hiện và chuyển giao gồm:
- Tư vấn chuyển giao công nghệ và ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin;
- Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nói riêng và lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án điều tra cơ bản, quản lý tổng hợp vùng bờ, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, điều kiện tự nhiên và môi trường biển và hải đảo.
- Nghiên cứu khoa học, xây dựng các công nghệ điều tra, khảo sát, thu thập thông tin quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường biển và hải đảo.
Định hướng
Sự bùng nổ của internet và các công nghệ ứng dụng web cũng như di động khiến cho vai trò của thông tin dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động của bất kỳ đơn vị, tổ chức nào trên phạm vi toàn cầu. Nó càng đúng với lĩnh vực quản lý tổng hợp, đa ngành, trên một không gian biển lớn gấp 3 lần đất liền. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra cuộc cách mạng về thiết bị đo đạc và thiết bị cảm biến, giúp cho việc giám sát, thu thập dữ liệu trên biển (Ocean Observatories) trở nên dễ dàng hơn; cùng với nó là các mô hình tính toán, dự báo (Sea Modeling) phục vụ cho các nghiên cứu về biển. Chúng ta sẽ có hiểu biết sâu hơn về biển, giảm thiểu các tác động xấu không mong đợi từ thiên tai biển, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường biển. Với cách mạng công nghệ 4.0, khối lượng dữ liệu sẽ tăng lên một cách rất nhanh chóng, yêu cầu đòi hỏi phải có những công nghệ mới để xử lý hiệu quả trong quản trị dữ liệu. Cùng với sự phát triển của khối lượng dữ liệu, các thách thức về bảo mật, an toàn thông tin, làm sao để dữ liệu được trao đổi một cách an toàn giữa các hệ thống, đảm bảo chất lượng dữ liệu sẽ là những thách thức lớn với các trung tâm dữ liệu.
Trên 10 năm hoạt động và không ngừng phát triển, những thành quả đã đạt được sẽ là tiền đề để Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia vững vàng phát triển trong một thời kỳ mới, với một tên gọi mới mang tầm vóc quốc gia, đáp ứng với những nhiệm vụ và thách thức trong thời gian tới đến từ:
- Yêu cầu của Đảng, Chính phủ, của người dân về thông tin, dữ liệu biển và hải đảo cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Yêu cầu phát triển nhanh chóng và đa dạng của hệ thống giám sát, quan trắc, điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
- Yêu cầu hội nhập thông tin, dữ liệu biển khu vực và quốc tế
- Đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những cách thức, công nghệ mới trong quản lý, khai thác dữ liệu đại dương.
Trong những năm tới, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia sẽ hướng tới những hoạt động cụ thể: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thống nhất từ Trung ương tới địa phương; Áp dụng các kỹ thuật tiên tiến như cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; Xây dựng các mô hình mô phỏng, dự báo được kết nối trực tuyến với hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường; Đáp ứng tốt nhất công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Chia sẻ thông tin dữ liệu trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực quản lý biển của Việt Nam. Góp phần thực hiện đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, làm giàu từ biển.
